Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

Về thăm trường cũ

Năm 2003, nhân một chuyến công tác tại Maxcova, tôi tranh thủ trở về thăm lại trường cũ – Học viện Nông nghiệp Belarusia . Như vậy là đúng 30 năm kể từ ngày chia tay các thầy cô, bạn bè, đây là lần đầu tiên, tôi mới có dịp quay trở lại nơi này. Lên chuyến tàu hoả tốc hành Maxcova – Vasava lúc 8 giờ tối ngày 12 tháng 10, rạng sáng hôm sau tôi xuống tàu tại ga Orsa. Trời mùa thu, sáng sớm se se lạnh. Sương mù phủ kín khiến cây cối, nhà cửa và cả các ngọn đèn đường cũng hiện lên lờ mờ. Kéo vội chiếc khăn che kín cổ, tôi lững thững bước dọc theo con đường trên sân ga, và bước vào một quầy đổi tiền đang sáng đèn. Tôi cần có đồng rúp Belarus, mặc dầu trong ví đang còn các đồng rúp của Nga. Theo lời dặn của bạn bè ở Maxcova, ở Belarusia mọi giao dịch chỉ thực hiện qua đồng rúp Belarus. Thế mới biết, thế giới đã thay đổi nhiều. Mới ngày nào, các công dân ba nước Nga, Ucraina, Belarus trong Liên bang Xô viết đều tự hào là “người Nga”, cùng chung một bà mẹ - Mẹ Tổ Quốc, mà nay đã “anh đi đường anh, tôi đi đường tôi” rồi. Tự dưng liên tưởng đến mấy câu thơ truyền khẩu trong dân gian về chuyện nhập vào, tách ra, khi Việt Nam tiến hành nhập, tách tỉnh: “ Vĩ đại như thể nước Nga Cũng không tránh khỏi tách ra, nhập vào Nhỏ bé như thể nước nào Cũng không tránh khỏi nhập vào, tách ra”. Đang miên man với những ý nghĩ vừa thoáng qua, tôi bỗng chợt tỉnh khi một viên cảnh sát đứng trước tôi và giơ tay lên vành mũ chào, đề nghị cho kiểm tra giấy tờ. Tôi chợt nhận ra, chính viên cảnh sát này ngồi trong quầy đổi tiền khi tôi đang tiến hành giao dịch. Rắc rối rồi đây. Trước đó, khi tôi bày tỏ ý định về thăm trường cũ, mấy người bạn của tôi ở Maxcova đã khuyên tôi không nên đi vì bây giờ cảnh sát nhiều tiêu cực lắm. Nhiều người Việt Nam dù có đủ giấy tờ hợp lệ, vẫn phải có “lót tay” cho cảnh sát nếu không muốn mất thời gian đi về đồn để chờ xác minh…Tuy nhiên, do mong muốn được về thăm trường quá lớn, nên tôi cũng liều. Bây giờ chắc lãnh đủ - Xin ông cho kiểm tra hộ chiếu ! - Được thôi, đây thưa anh. - Ông là công dân nước nào? - Việt Nam. - Viza của ông đâu ? - Tôi mang hộ chiếu “ Công Vụ “ được miễn Viza. Tôi vừa đến Maxcova được vài hôm, và ông có thể thấy dấu chứng thực nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh ở sân bay Seremeteevo. - Ông làm gì ở Maxcova, thưa ông ? Đến đây thì tôi đã cảm thấy hơi lo ngại, tuy nhiên tôi vẫn bình tĩnh và tỏ ra cứng cỏi: - Tôi nghĩ, tôi không có nghĩa vụ phải báo cáo với anh. Tôi đi thực hiện công vụ. Thoáng một chút ngần ngừ, viên sĩ quan nhìn tôi rồi hỏi tiếp : - Bây giờ ông định đi đâu ? - Tôi đến thành phố Gorki, tỉnh Mahilov - Đấy là….? - Học viện Nông nghiệp Belarusia, tôi về thăm trường cũ. - Ông là…? - Tôi là sinh viên cũ của trường, tôi tốt nghiêp năm 1973. Viên sĩ quan nhìn tôi. Trên khuôn mặt anh ta không còn nét căng thẳng. Thay vào đó là một khuôn mặt cởi mở, thân thiện hơn. Trao lại hộ chiếu cho tôi, hắn bảo: - Xin lỗi ông nếu ông cảm thấy phiền toái, vì tôi phải thực hiện công việc của mình. Bây giờ trời còn sớm lắm. Để tôi đưa ông đến bến xe buýt, từ đó ông lấy vé về Gorki. Bây giờ câu chuyện của chúng tôi đã đổi khác. Gì thì gì, tuổi đời của tôi cũng là bậc cha chú của hắn. Hắn nói, cha hắn cũng học tại Học Viện 30 năm về trước, biết đâu với tôi, lại là bạn của nhau. Đến bến xe buýt, hắn lễ phép chào tôi và quay đi. Tôi nhìn theo cái bóng cao lớn của hắn khuất dần trong màn sương mù buổi sáng. Cảm giác ấm áp đầu tiên trong một sáng đầu đông thật dễ chịu. Thì ra, trên đời vẫn còn những người tốt, dầu thế sự đổi thay. Cái quan trọng là ta đừng đánh mất niềm tin và hy vọng.
* * * Con đường từ Orsa về Gorki chỉ khoảng 50 km. Tôi háo hức nhìn sang hai bên đường. Đây là con đường cách đây trên 30 năm chúng tôi vẫn thường đi mỗi khi có việc phải đến các thành phố khác. “Thành phố nhỏ” Gorki nằm biệt lập như một ốc đảo, tách biệt các đại lộ và các thành phố lớn. Nếu như không có Học viện này, Gorki chắc là nơi ít ai biết đến vì nó nhỏ bé, không có gì nổi bật với dân cư không nhiều. Vẫn là con đường cũ, chật hẹp. Có cảm tưởng hình như chả có gì thay đổi dù đã 30 năm trôi qua. Tôi vẫn nhận ra những ngôi nhà, góc phố, các công trình đã một thời thân quen. Thời gian ở đây hình như dừng lại như trong truyện cổ tích, mặc cho các biến chuyển “một ngày bằng ba mươi năm” trên thế gian này. Bước qua mấy con phố, tôi dừng bước trước khu vực trường tôi. Đây rồi, ký túc xá số 5, một ngôi nhà 5 tầng dành cho sinh viên 2 khoa “ Cơ giới hoá thuỷ lợi” và “Thú y”. Khoa tôi , khoa Cơ giới toàn một lũ đực rựa với nhau, lại ở chung với khoa Thú Y,phần lớn là nữ. Căn phòng tôi ở nằm ở tầng 5, tầng cao nhất. Phòng có 4 người : 2 Việt Nam, 2 Belarus. Mỗi tầng có 2 phòng bếp, 2 khu vệ sinh bố trí hai bên cầu thang bộ ở hai góc. Một phía dành cho nam, phía kia dành cho nữ. Mấy thằng Việt Nam chúng tôi tự nấu lấy ăn, chiếm thời gian sử dụng bếp nhiều nhất. Sinh viên Belarus không tự nấu ăn mà ăn ở nhà ăn sinh viên. Tuy nhiên, khi đến các ngày lễ, tết, họ về nhà và mang đến bánh mì, khoai tây, thịt lợn muối (salo), và dĩ nhiên không thiếu món “quốc lủi” samagolka. Thế là hát hò, nhảy múa, hò hét suốt cả đêm. Thế là khu vệ sinh đầy ứa các chất thải, tanh nồng, chua chua đến nôn mửa… Kỷ niệm cũ tràn về như một cuốn phim quay chậm. Cứ ngỡ như là mới ngày hôm qua. Ôi, tuổi trẻ, tuổi trẻ của tôi. Loanh quanh một lúc, theo thói quen, bước chân đưa tôi đến toà nhà hành chính của trường. Trước khi trở về trường, tôi cũng chỉ định quay lại đây thăm lại cảnh cũ, trường xưa, nhằm thoả mãn trí tò mò mà không quấy rầy tới ai, nhưng khi tới đây rồi, bỗng nhiên niềm khát khao được gặp lại các bạn học cũ nổi lên, thôi thúc. Sực nhớ đến anh bạn cùng khoá, con của Chủ nhiệm khoa của tôi, hiện đang dạy tại trường, tôi tiến đến bàn Tiếp tân và xin địa chỉ, số điện thoại của anh. Người phụ nữ đã có tuổi nhìn tôi, ngạc nhiên, và sau khi biết tôi là ai đã mời tôi ngồi và nói : - Ông là sinh viên của trường, tốt nghiệp khoá 1968 – 1973. Ông Gorelko Vladimir Mikhailovich hiện nay là chủ nhiệm bộ môn máy Nông nghiêp và Thuỷ lợi. Như vậy, ông là sinh viên về thăm trường cũ. Thật quý hoá ! Tôi phải báo cáo Hiệu trưởng cũng như báo cho ông Gorelko biết. Tôi vội giải thích với bà là tôi về thăm trường với tư cách cá nhân và không muốn làm phiền tới nhà trường. Tuy nhiên, bà không đồng ý, bà bảo nếu bà không báo cáo với Hiệu trưởng, nếu sau này Hiệu trưởng biết, bà sẽ bị khiển trách. Tôi đứng trước việc đã rồi nhưng cũng chẳng biết làm gì hơn. Một lúc sau, một người đàn ông trung niên, bước lại gần tôi. Sau câu chào hỏi, ông cho biết Hiệu trưởng đang đợi tôi. Tôi theo ông và bước vào một căn phòng rộng rãi, tiện nghi. Bà Thư ký đưa tôi vào phòng làm việc của Hiệu trưởng. Hiệu trưởng đứng dậy bắt tay tôi. Sau những câu thăm hỏi xã giao thông thường, ông nói nhà trường rất vui khi có học sinh cũ về thăm trường, rằng tôi sau 30 năm mà vẫn còn nhớ tiếng Nga rất giỏi, và trong khi chờ bạn tôi tới, ông kể sơ lược cho tôi nghe một số tình hình của trường hiện nay. Ông nói, nhà trường rất tự hào vì các sinh viên Việt Nam cũ của trường, nhiều người hiện nay đang giữ các trọng trách lớn của nhà nước như: Bộ trưởng, Cục trưởng, Vụ trưởng …và mong muốn được tiếp nhận các lưu học sinh Việt Nam như ngày xưa (Tại thời điểm đó chỉ có Lưu học sinh Trung Quốc và các nước khác đang theo học, không có Lưu học sinh Việt Nam). Đáp lại, tôi trình bày với ông những cảm xúc đặc biệt khi được trở lại mái trường xưa, lòng biết ơn về những tình cảm yêu thương, đùm bọc và che chở mà nhà trường đã dành cho chúng tôi trong những năm tháng Việt Nam có chiến tranh…Câu chuyện mỗi lúc càng sôi nổi… Tín hiệu ở bàn làm việc của Hiệu trưởng nhấp nháy và tôi thấy ông bấm vào một nút trên đó. Cửa phòng mở ra. Gorelko Vladimir Mikhailovich (Volodia) bước vào cùng với Chủ nhiệm khoa phụ trách lưu học sinh. Tuy đã hơn 30 năm không gặp nhau, song tôi nhận ra Volodia ngay. Tuy thân hình có mập ra, mái tóc đã điểm bạc, nhưng khuôn mặt hầu như không có gì thay đổi với cặp kính trắng như thuở nào. Hồi đó, cha của Volodia – ông Mikhail Mikhailovich Gorelko - là chủ nhiệm khoa của chúng tôi. Hai chúng tôi ôm lấy nhau, tay bắt mặt mừng. Hiệu trưởng giao nhiệm vụ cho Volodia thay mặt trường tiếp đón tôi trong thời gian tôi ở thăm. Ông cũng dặn đưa tôi về nhà khách của trường nghỉ ngơi, chiêu đãi chu đáo. Tôi cảm ơn thầy và báo cáo với thầy vì thời gian không nhiều, chiều tối cùng ngày tôi đã phải quay về Maxcova (vé khứ hồi đã mua), nên sẽ không phiền đến phòng khách. Tuy nhiên, thầy không đồng ý. Thầy nói, dẫu vậy, tôi cũng cần ít phút ngả lưng và tôi đã không thể từ chối.
Buổi sáng và chiều hôm đó, Volodia và Chủ nhiệm khoa “Cơ giới nông nghiêp” đã đưa tôi thăm lại một số phòng học, phòng thí nghiệm, thực tập mà chúng tôi từng học tập. Tại một số phòng, mặc dầu giờ học đang diễn ra, Trưởng Khoa vẫn cho tạm dừng ít phút và đề nghị tôi phát biểu vài điều với sinh viên. Tôi đã nói về: các cảm xúc của tôi khi gặp lại các thầy cô, các bạn cũ sau 30 năm gặp lại, các kỷ niệm của tuổi sinh viên, những ước mơ, khát vọng của một thời tuổi trẻ và chúc các bạn trẻ gặp nhiều may mắn hơn chúng tôi. Trưa đó chúng tôi dùng bữa trưa tại “Restorant” của trường. Có rượu vang đỏ, trứng cá hồi và nhiều món ăn khác. So với bữa ăn hồi còn là sinh viên thì thật là một trời một vực, không thể so sánh. Vừa ăn, chúng tôi vừa ôn chuyện cũ, về bạn bè xưa, ai còn ai mất. Lúc này, chúng tôi mới biết, một số bạn cùng khoá đã không còn vì những nguyên nhân khác nhau. Lúc này tôi mới biết một người bạn Belarus của tôi cũng đã mất. Như vậy là riêng phòng tôi, 4 thằng : 2 Việt, 2 Belarus thì đã có 1 Việt, 1 Belarus đã sớm ra đi rồi. Cả bọn bùi ngùi, cuộc đời sao ngắn ngủi thế. Thực hiện lệnh Hiệu trưởng, sau bữa ăn, Volodia đưa tôi về nhà khách của trường để nghỉ trưa. Volodia chia tay tôi và dặn sẽ đến đón tôi về nhà chơi và sẽ thông báo cho các bạn cùng đến. Người trực nhà khách đưa tôi lên phòng khách. Phòng khách như một căn hộ biệt lập, hai buồng, gồm một phòng ngủ, một phòng làm việc kiêm tiếp khách với đầy đủ tiện nghi: máy điều hoà, tủ lạnh, tủ rượu, ti vi, phòng tắm nóng lạnh…So với các khách sạn nhiều sao mà tôi từng sống cũng không thua kém nhau là bao nhiêu. Tôi thầm cảm ơn nhà trường đã quan tâm và đối xử chu đáo với tôi – một sinh viên cũ về thăm trường, mặc dù tôi chưa làm được gì cho trường cả. Miên man với dòng ký ức, trước mắt tôi các hình ảnh về những năm tháng sinh viên hiện ra, rõ mồn một như mới ngày hôm qua. Ngày ấy, với học bổng 60 rúp một tháng mà phải lo cả ăn,mặc, sách vở…là một bài toán khó giải đối với chúng tôi. Tôi nhớ, ngày ấy một Quan chức quản lý Lưu Học sinh của Đại Sứ quán trong một buổi “huấn thị” đã nói : “ Các cô, các cậu sắp trở thành các kỹ sư, bác sĩ rồi mà một bài toán chia vô cùng đơn giản là chia 60 rúp cho 30 ngày mà không chia nổi …”. Vâng, chia sao nổi khi ở cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu” phải dùng 60 rúp ấy cho các nhu cầu cá nhân trong một tháng. No dồn, đói góp. Chúng tôi chưa bao giờ có bữa ăn đủ no, áo đủ ấm. Đôi giày tôi đi, mõm há như miệng cá sấu mà vẫn phải đi. Sợ nhất là mùa tuyết tan. Ấy thế mà vẫn phải chạy trên những con đường tuyết tan đó đến các giảng đường với đôi chân ướt sũng. Ngày lại ngày cứ thế, và rồi một hôm, đó là một ngày đông giá buốt của năm thứ hai : hai đầu gối tôi sưng húp, tôi không thể bước đi, người tôi nóng bỏng, mỗi bước đi như hàng trăm mũi kim đâm vào các khớp xương chân, đầu gối. Tôi được xe cấp cứu đưa về khu bệnh xá nhà trường. Tôi được chẩn đoán là viêm khớp cấp và được giữ lại bệnh xá. Hàng ngày tôi phải tiêm kháng sinh. Khoảng một tuần sau thì chân đỡ đau, đã có thể đi lại được. Tôi xin ra viện, nhưng bà bác sĩ điều trị cho tôi thông báo tôi phải nằm viện ít nhất là 3 tháng. Tin sét đánh làm tôi xây xẩm mặt mày. Bà nói, bệnh thấp khớp của tôi phải được chữa chạy chu đáo, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tim. Thấy tôi buồn, bà động viên : “Cháu còn trẻ, nếu được chữa chạy chu đáo thì sẽ không sao cả”, bà còn nói thêm “Chắc tại khí hậu ở đây lạnh quá. Để cô chữa cho cháu khoẻ, cô sẽ đề nghị nhà trường cho cháu về lại Việt Nam nghỉ ngơi một thời gian cho lại sức, sau lại quay sang học”. Tôi buồn quá. Buồn vì căn bệnh hiểm nghèo có thể làm tôi chết, mà tôi thì quá trẻ. Buồn vì về Việt Nam rồi, có mơ cũng không có ngày trở lại. Ngay cả việc nằm viện 3 tháng, ra viện, tôi cũng phải thi xong. Nếu thi không được, thì tôi cũng phải về Việt Nam. Đấy là quy định của Đại Sứ quán. Chúng tôi không được phép lưu ban dù có bị bệnh tật gì. Buồn là vậy, sợ hãi là vậy. Hôm ông già nằm ở giường bên cạnh tôi chết, chứng kiến cái giờ phút cuối cùng của ông, tôi thấy sợ chết khiếp. Tuy nhiên, tôi có được sự may mắn là cô bác sĩ chữa cho tôi rất quan tâm tới tôi. Nhiều khi tôi có cảm tưởng cô như người mẹ hiền của tôi. Các bệnh nhân cùng phòng cũng luôn động viên và an ủi tôi. Bữa ăn hàng ngày của tôi như các bệnh nhân khác, tôi bao giờ cũng có thêm một cục thịt luộc bằng nắm tay hoặc một cốc váng sữa đặc có đường. Những ân tình đó, tôi không bao giờ quên được. Cuối cùng thì ngày xuất viện cũng tới. Sau 3 tháng nằm viện, bao nhiêu bài kiểm tra, bài tập lớn phải hoàn trả. Tôi học và làm việc như điên để trả nợ các môn học còn tồn đọng. Và rồi kỳ kiểm tra cuối năm cũng đến. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không lý giải được tại sao ngày ấy trí nhớ tôi tốt và tôi học nhanh đến thế. Nhiều môn học dài và khó mà chỉ trong ba bốn ngày chuẩn bị, tôi cũng thi xong. Không những thi xong, mà điểm thi cũng đạt điểm 4, 5, khá hơn rất nhiều so với kết quả thi của nhiều người khoẻ mạnh khác… Khoảng 5 giờ thì Volodia lái xe đến đón tôi. Ra đón tôi tại cửa căn hộ chung cư là Nadia, vợ của Volodia và cô cháu ngoại. Một lúc sau, bạn bè lục tục kéo đến. Không nhiều lắm, vì những người ở xa không kịp đến, nhưng dẫu sao chúng tôi cũng đã có một buổi tối tuyệt vời. Ngồi bên nhau ôn lại những chuyện xưa, thăm hỏi nhau chuyện gia đình, cùng hát, cùng uống… Thế nhưng, tuy vui bên nhau, tôi không khỏi có chút chạnh lòng. Bạn bè tôi, giờ đây tóc đã điểm bạc. Nét già nua, mệt mỏi đã hiển hiện trên những khuôn mặt còn trai trẻ, lanh lợi ngày nào. Tôi có cảm tưởng rằng, chẳng có gì thay đổi nơi đây. Thành phố, nhà trường… hầu như vẫn không có gì mới trừ một ít toà nhà mới xây. Cuôc sống vẫn diễn ra đều đều, chậm chạp. Kể từ khi Liên bang Xô viết tan rã, Belarusia tách ra độc lập, hình như các hoạt động đào tạo của nhà trường bị thu hẹp lại. Trước kia, trường có hai khoa cơ giới là “Cơ giới hoá nông nghiệp” và “Cơ giới hoá thuỷ lợi” thì nay được sát nhập làm một là “Cơ giới hoá nông nghiệp”. Anh bạn tôi theo nghiệp cha làm Trưởng Khoa, nay chuyển sang Chủ nhiệm Bộ môn. Và cảm giác chung là nghèo. Đấy không phải là cái nghèo đến nỗi thiếu ăn thiếu mặc như hồi sinh viên chúng tôi phải gánh chịu. Cái nghèo ở đây hiện hữu ở chất lượng cuộc sống, phương tiện sống. Vẫn căn hộ chung cư đó cách đây 30 năm, vẫn những chiếc ô tô đó…Và khi tôi gợi ý các bạn đi du lịch Việt Nam (chi phí ở Việt Nam sẽ do chúng tôi hỗ trợ) thì cả bọn nhìn nhau. Ý tưởng hay, nhưng khó thực hiện. Không biết đến bao giờ. Cuộc vui nào rồi cũng phải kết thúc. Đã đến giờ chia tay. Volodia và các bạn lấy ô tô chở tôi ra Orsa để kịp đón chuyến tàu trở về Maxcova. Kết thúc một chuyến hành hương đầy ấn tượng và chan chứa tình người.

Những ngày tháng sinh viên

Tôi học khoá 3 Khoa “Cơ giới hoá Thuỷ lợi” tại Học viện Nông nghiệp Belarus từ năm 1968 đến năm 1973. Khoá tôi lúc đó có 3 lớp, tôi học lớp thứ 2. Có tất cả 9 sinh viên Việt Nam học khoá này. Đây là các bức ảnh chụp từ album lưu niệm của khoá. Bức ảnh đầu tiên là chân dung của Thầy Hiệu trưởng, Hiệu phó, Chủ nhiệm khoa, và ban lãnh đạo Khoa, các bức ảnh còn lại là chân dung của sinh viên và cảnh sinh hoạt, học tập tại trường.

VÀI ĐIỀU MUỐN NÓI

Do công việc, tôi có may mắn được đi đến nhiều nước, được chiêm ngưỡng những cảnh đẹp, gặp gỡ những con người thú vị ở các nước khác nhau. Để giữ lại những kỷ niệm đó, tôi đã chụp được nhiều tấm hình hiện lưu lại trong các tập album, chỉ thỉnh thoảng mới lại giở ra xem. Tuy nhiên, các bức ảnh cùng với thời gian và với điều kiện thời tiết nóng ẩm đã dần dần hư hỏng. Tôi có ý định sao chụp lại những ảnh đó, đưa vào bộ thư mục ảnh số rồi đưa vào Blog để chia sẻ với những người thân, bạn bè, và những ai quan tâm. Công việc chỉ mới bắt đầu và mức độ thành công hay không còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố . Trước hết là phải thu thập lại các ảnh cũ, phân loại và sao chụp sau đó đưa lên Blog. Blog mà tôi định đưa các album ảnh này lên có tiêu đề “DẤU CHÂN KỶ NIỆM”. Trong Blog này ngoài các bức ảnh do tôi chụp, tôi có ý định đăng các bức ảnh và các video clip do truyền thông trên mạng liên quan với những nơi mà tôi đã từng qua.